Benhdongkinh

Benhdongkinh

Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

DINH DƯỠNG CHO NGƯỜI BỆNH ĐỘNG KINH

        Ðộng kinh là một rối loạn thần kinh thường gặp. Thống kê của Tổ chức y tế thế giới (WHO), tỷ lệ động kinh trên thế giới hiện nay dao động từ 0,5 - 1% dân số, 50 trường hợp trên 100.000 dân. Ở các nước đang phát triển như Việt Nam, tỷ lệ mới mắc của động kinh trong một năm là 100/100.000 người.
Mặc dù không có chế độ dinh dưỡng chuyên biệt để làm giảm các cơn động kinh, song bệnh nhân vẫn cần tuân thủ một chế độ ăn cân bằng các chất dinh dưỡng mà bác sĩ chuyên khoa đã tính toán.

Chế độ ăn ở người bị động kinh

        Người bị động kinh cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ để duy trì tình trạng sức khỏe chung, như folat (có trong trái cây và rau tươi hay hơi chín), calcium và magnesium (nhiều nhất trong các sản phẩm sữa), vitamin B12 (có trong sữa và thịt), vitamin K (rau xanh và các hạt ngũ cốc), vitamin D (trong dầu cá, thịt, sữa và được sản xuất trong cơ thể nhờ tiếp xúc ánh nắng mặt trời
Nếu người bệnh động kinh có các bệnh lý khác như tiểu đường thì cần tuân thủ chế độ ăn theo bệnh lý đó.


Thực phẩm giàu can xi tốt cho người bị động kinh

Ảnh hưởng của thuốc chống động kinh lên các chất dinh dưỡng

        Một số thuốc chống động kinh có thể làm giảm một số chất dinh dưỡng trong cơ thể như vitamin D, vitamin K, calcium, magnesium, manganese, sodium và folat. Tuy nhiên, ở đa số người bệnh dùng thuốc chống động kinh thì vấn đề này thường nhẹ và không nguy hiểm. Một số người bệnh dễ bị thiếu các vitamin như: người dùng thuốc chống động kinh liều cao, dùng nhiều thuốc chống động kinh, người già, trẻ đang phát triển, phụ nữ có thai, người nghiện rượu và những người ăn uống kém. Do vậy, đối với những đối tượng này cần cung cấp đủ các vitamin và khoáng chất cần thiết để ngăn ngừa tình trạng thiếu hụt.

Làm thế nào để tránh thiếu hụt các chất dinh dưỡng?
        Cần có chế độ dinh dưỡng thích hợp. Ăn đủ và đúng bữa. Cần được khám và kiểm tra bởi các bác sĩ. Tránh tự dùng các thuốc đa sinh tố mà không có lời khuyên của bác sĩ vì trong một số trường hợp nếu dùng quá nhiều các sinh tố có thể gây tác dụng ngược lại.

Rượu và thuốc lá
- Người bệnh động kinh cần kiêng rượu vì rượu dễ làm xuất hiện các cơn động kinh hơn, đặc biệt đối với một số hội chứng động kinh và ngăn cản tác dụng của các thuốc chống động kinh. Rượu còn có thể làm nặng hơn các tác dụng phụ do thuốc chống động kinh. Rượu có thể gây ra các cơn động kinh ở những người uống rượu nhiều, kéo dài nhưng ngưng uống rượu đột ngột. Ngoài ra, rượu còn làm giảm trí nhớ do vậy người bệnh dễ quên việc uống thuốc chống động kinh.
- Thuốc lá không ảnh hưởng đến các cơn động kinh, tuy nhiên khi người bị động kinh hút thuốc mà có cơn động kinh có thể gây cháy nhà do thuốc lá.

Chế độ ăn sinh ceton

       Một chế độ dinh dưỡng đặc biệt được dùng để điều trị động kinh gọi là chế độ ăn sinh ceton (ketogenic diet).
Bình thường cơ thể dùng năng lượng qua việc tiêu thụ glucose (chất đường, bột) từ thức ăn. Tuy nhiên, cơ thể không dự trữ được một lượng lớn glucose mà chỉ có thể dự trữ để dùng trong 24 giờ. Khi một người không ăn trong 24 giờ (thời điểm bắt đầu chế độ ăn), thường được thực hiện trong bệnh viện, họ sẽ tiêu thụ hết năng lượng từ glucose dự trữ. Nếu glucose không được cung cấp thêm thì cơ thể sẽ bắt đầu tiêu thụ lượng mỡ dự trữ và đó là quá trình của chế độ ăn sinh ceton. Chế độ ăn này lấy 80% năng lượng từ mỡ, năng lượng còn lại từ protein và carbohydrat.
Vì vậy để không ảnh hưởng đến kết quả điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ nạp đủ lượng thức ăn và nước uống mà  bác sĩ chuyên khoa đã tính toán cẩn thận cho mỗi người. Chế độ ăn như vậy có thể làm giảm các cơn động kinh ở một số bệnh nhân mặc dù cơ chế tác dụng của nó vẫn chưa được hiểu rõ. Chế độ ăn này thường được chỉ định dùng cho trẻ bị động kinh dưới 16 tuổi và không đáp ứng với các thuốc chống động kinh. Các tác dụng phụ có thể gặp là mất nước, táo bón, sỏi thận, sỏi mật, viêm tụy, loãng xương, rối loạn kinh nguyệt.

Dinh dưỡng ở phụ nữ mang thai bị động kinh

        Phụ nữ mang thai bình thường cần bổ sung thêm nhiều vitamin và các chất khác vì nhu cầu dinh dưỡng cho “hai người”. Đối với người bị động kinh thì nhu cầu này cao hơn bình thường vì một số thuốc chống động kinh làm giảm một số chất quan trọng như folat, vitamin K. Khi folat giảm thì khả năng bào thai bị dị tật sẽ gia tăng, do vậy phải cung cấp đủ folat trước khi mang thai và trong suốt quá trình mang thai. Liều folat thông thường là từ 0,4 - 4 mg (folat làm giảm nguy cơ khiếm khuyết thai nhi từ 60 - 70%). Khi vitamin K giảm có khả năng gây xuất huyết ở trẻ sơ sinh. Để tránh hiện tượng thiếu vitamin K, người mẹ cần dùng 10 mg vitamin K mỗi ngày trong tháng cuối thai kỳ.


Hoàng Nam

Để được tư vấn về bệnh động kinh hãy gọi  0962.546.541

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét